Quận Hải Châu khởi động cuộc thi giới thiệu về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn quận.
Là vùng đất có lịch sử khá lâu đời của thành phố Đà Nẵng, Hải Châu hội tụ và tồn tại đầy đủ các giá trị lịch sử, văn hóa, đây là nguồn “tư liệu” vô cùng quý giá để các em học sinh khai thác tư liệu viết bài, xây dựng video về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn quận.
Học sinh trường THCS Lê Hồng Phong Đà Nẵng tìm về Bảo tàng điêu khắc Chăm
(nằm trên địa bàn quận Hải Châu) để quay video tham gia Cuộc thi
Góp phần đa dạng các hình thức đưa lịch sử vào giảng dạy
Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Hà - Quận ủy viên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết, những năm qua, cùng với việc dạy văn hóa tại trường, để học sinh hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa, lịch sử cũng như những truyền thống tốt đẹp của ông cha, hàng năm Phòng Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp gắn với các di tích lịch sử. Đây là hình thức giáo dục trực quan sinh động giúp các em học sinh tạo được sự hứng thú, khơi dậy tính ham học hỏi môn Lịch sử trong giai đoạn hiện nay, đồng thời góp phần tri ân những thế hệ đã hy sinh máu xương của mình để giành lại độc lập tự do cho dân tộc, trân quý những giá trị lịch sử, nhắc nhở thế hệ trẻ ngày nay phải tiếp bước cha anh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tâm huyết với việc đưa lịch sử vào giảng dạy tại các trường học, thầy Đặng Ngọc Lam, hiệu trưởng trường THCS Lê Hồng Phong tâm sự, sau khi nhận được kế hoạch cuộc thi, Ban Giám hiệu nhà trường đã phổ biến ngay cho tổ Lịch sử, Địa lý của trường. Hiện nhà trường tham dự cuộc thi với tổng cộng 23 tác phẩm, đây là những sản phẩm từ sự cố gắng của các em, từ khâu lên ý tưởng, dựng video…Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ các sản phẩm của các em trên các kênh thông tin của trường, góp phần kết nối những giá trị lịch sử, hiện đại, khơi dậy tình yêu lịch sử trong mỗi học sinh.
Học sinh trường THCS Kim Đồng xây dựng video, thuyết minh tại Thành Điện Hải
Việc tổ chức các hoạt động thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương như cuộc thi “Viết bài giới thiệu về các điểm di tích lịch sử trên địa bàn quận Hải Châu năm học 2021-2022” là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh chủ động tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Từ đó, các em biết trân quý những giá trị truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả, thiết thực hơn. Việc làm này là cần thiết và là một hướng đi đúng, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, bởi nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng thông qua các di tích lịch sử. Không có sự giáo dục truyền thống nào tốt hơn khi các em được hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình đã sinh cơ, lập nghiệp. Tình yêu đất nước của mỗi người đều phải bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, quê hương..., bà Trần Thị Thuý Hà cho biết thêm.
Phát biểu tại buổi làm việc với phường Hải Châu I, đồng chí Hoàng Giang Yên Thuỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận uỷ nhấn mạnh, Ban giám hiệu các trường cần nghiên cứu tổ chức các hoạt động giảng dạy, dã ngoại, tham quan các di tích lịch sử cách mạng tại địa phương, phù hợp với từng đối tượng học sinh các trường, giảm tải chương trình giảng dạy, nâng cao hoạt động ngoại khoá, đồng thời giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.
Háo hức trải nghiệm, phong phú các hình thức thể hiện
Bạn Công Huy, học sinh lớp 8/1 trường THCS Lê Hồng Phong tâm sự, cuộc thi là cơ hội để chúng em có thể tìm hiểu các di tích lịch sử, thể hiện ý tưởng của mình trong quá trình xây dựng video, là hoạt động trải nghiệm thú vị giúp chúng em rèn luyện kỹ năng, thêm yêu và trân trọng những giá trị lịch sử quý giá.
Khi cuộc thi được triển khai đến trường, các em học sinh rất háo hức, từ những ngày đầu phát động, các em đã lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, sắp xếp thời gian đi khảo sát địa điểm, tiến hành quay video. Là trường ngoài công lập, đội ngũ giáo viên nhà trường vẫn luôn tạo điều kiện để các em được tìm hiểu các giá trị văn hoá, lịch sử nhằm bồi dưỡng kiến thức, tình yêu môn lịch sử và những giá trị cốt lõi, bền vững. Từ những chuyến trải nghiệm, chắc hẳn các em học sinh đã học được rất nhiều điều mới lạ, từ đó, mỗi học sinh có được thêm những hiểu biết sâu sắc về những trang sử Việt, để có đông lực học tập nối tiếp trang sử vàng của dân tộc, cô giáo Nguyễn Thị Mai Giang, giáo viên trường TH, THCS Sky-Line cho biết.
Khám phá Bảo Tàng Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng trong quá trình xây dựng video, bạn Thảo Nguyên chia sẻ, thực sự đến với Bảo tàng - nơi bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về thời kỳ hưng thịnh của Vương quốc Chăm Pa cổ xưa, điểm đến tham quan mang tính lịch sử có giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, việc giới thiệu về điểm du lịch nổi tiếng này là vinh dự của chúng em, mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc thổi thêm vào lòng thế hệ trẻ tình yêu đối với những giá trị văn hoá, lịch sử.
Học sinh trường THCS Trưng Vương tại Bảo tàng điêu khắc Chăm
Không chỉ giới thiệu bằng ngôn ngữ tiếng Việt, các em đã tự giới thiệu sản phẩm của mình bằng ngôn ngữ tiếng Anh, thậm chí phiên dịch ngôn ngữ dành cho người khiếm thính. Đồng thời, các em đã ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm. Điều tâm đắc nhất của Ban tổ chức cuộc thi chính là các em đã tự liên hệ với Ban quản lý các di tích lịch sử văn hóa để nghiên cứu, tìm hiểu, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, quí lãnh đạo địa phương, góp phần giáo dục niềm tự hào của mỗi người dân quận Hải Châu về giá trị di sản văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp, các công trình lịch sử, hiện đại trên địa bàn quận, ông Đỗ Bá Hy, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu cho biết.
Học sinh xây dựng video về nhà sàn Bác Hồ tại Bảo tàng Quân khu 5
Trong thời gian 01 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, nhiệt tình tham gia của 12 trường THCS trên địa bàn quận. Với hơn 100 sản phẩm giới thiệu của học sinh và nhóm học sinh đến từ 12 trường THCS trên địa bàn quận.
Có thể nói, công tác giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương thông qua đa dạng các hình thức thể hiện đã thực sự tạo động lực, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động, biết vượt qua khó khăn, có ý chí và khát vọng phấn đấu để trở thành những công dân có ích, đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng xây và phát triển đất nước.
Trung tâm văn hoá Thể thao quận