Những ngày Tết ấm
Xuân vẫn vậy, khẽ khàng đến trên nụ mai vàng vừa thức giấc sau giấc đông ngủ vùi trong mưa dầm, bão lũ. Trời phơi nắng lên từng ngày bên hiên nhà chiu chít tiếng chim gọi bầy trước mỗi sớm mai. Nhà nhà rộn ràng đón xuân Tân Sửu an yên theo cách riêng phù hợp với tình hình dịch bệnh sát Tết…
Nấu bánh chưng ngày Tết được nhiều gia đình duy trì để gìn giữ truyền thống dân tộc. |
1. Dường như mọi thú vui ngày Tết đều tập trung ở những ngày cuối năm cũ. Đó là những ngày bận bịu mua sắm áo quần mới cho con, bánh mứt hạt dưa, rượu bia, thịt thà đãi khách. Và cả niềm vui thích nhã nhặn khi cùng gia đình dạo chợ hoa để ngắm nghía, chọn lựa đem về nhà chậu cúc vàng tươi hay cành đào vừa chớm nụ như đang còn vương vấn mùa xuân phương bắc.
Những năm trước, từ 20 tháng Chạp trở đi, người người đều lượn ra đường mua sắm như muốn khuân cả mùa xuân về nhà. Năm nay thì ngược lại, thời buổi mà bất cứ ai cũng sở hữu một chiếc điện thoại thông minh thì việc mua sắm cũng đơn giản hơn nhiều, nhất là thời buổi sống chung với Covid-19. Bởi việc mua sắm đều có thể giao dịch qua mạng. Chỉ cần nhấp chuột là các shipper (người giao hàng) mang hàng đến tận nhà, không phải chen lấn, bưng bê gì cho nhọc xác. Tuy nhiên, nồi bánh chưng rực lửa cuối năm cùng với những câu chuyện râm ran ngày Tết thì không một trang mạng nào có thể mang đến mà phải tự xắn tay làm lấy.
Công nghệ 4.0 dường như phổ cập không chỉ ở thành phố mà còn đến tận những bản làng miền xúi xa xôi hẻo lánh. Những ngày giáp Tết ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam êm ru như một bài ca dao. Bà con người Kor nơi đây vẫn lặn lội theo bờ sông Trót lên núi kiểm tra rừng trồng. Từ trên cầu nhìn xuống sông, bóng người soi bóng nước đẹp như tranh vẽ. Trước khi đi, người lớn không quên dặn bọn trẻ ở nhà nhớ nhận hàng do shipper mang đến. Đó là tấm áo mới, đôi giày mẫu mã đẹp cho trẻ con hay chiếc áo ấm cho người già mà chợ quê không có.
Hôm gặp nhau ở trụ sở xã, Chủ tịch UBND xã Trà Kót Phạm Văn Tuấn khoe rằng: “Trà Kót tuy xa chợ huyện nhưng bà con vẫn sắm Tết nhanh gọn, đủ đầy. Bởi có cái chợ trên mạng rồi. Người già không biết thì có bọn thanh niên mua cho. Hàng chở tới tận ngõ nhà. Cái mô không ưng thì trả lại…”.
Những ngày cuối năm Trà Kót mưa xuân bay lất phất như giăng tơ. Khi đội múa cồng chiêng tập dượt trong hội trường ủy ban xã những tiết mục chuẩn bị chào năm mới thì ngoài đường, những người giao hàng vẫn lặn lội trên chiếc xe máy mang hàng đến cho các “thượng đế” vùng cao để rồi khi về mang theo nụ cười rạng rỡ của cô sơn nữ xứ sở “Cao sơn ngọc quế” - mỹ hiệu chỉ loại quế tiến vua ở Trà My xưa.
Ăn Tết tại chỗ là giải pháp an toàn cho chính mình và người thân để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Như Hạnh |
2. Thú thật, bên cạnh niềm vui đoàn viên của Tết cổ truyền thì tập tục đi chúc Tết họ hàng gần xa, xóm giềng và bạn bè thân hữu… đối với một số người đã trở thành một gánh nặng đè lên đôi vai vốn đã vênh vao vì mưu sinh cả năm. Thậm chí 3 ngày Tết, nhiều người chưa thấy sắc xuân ở đâu mà đã bạc mặt vì mãi long tong thăm cho đủ họ hàng hai bên nội ngoại. Nếu không chu toàn sẽ nghe trách móc cả năm…
Nhiều người vẫn đùa rằng, đi chúc Tết họ hàng mà giống nghệ sĩ chạy show đầu năm. Mỗi nhà ngồi dăm ba phút, chúc đôi ba câu lại phải lên xe chạy đến nhà khác nếu không thì... vỡ kế hoạch. Năm nay với tình hình phòng tránh dịch bệnh, nhiều gia đình đã chọn cách thăm hỏi online. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể kết nối với gia đình, bạn bè, họ hàng ở mọi nơi trên cả nước thậm qua các ứng dụng hiện đại. Thậm chí cả năm châu bốn bể cũng có thể nhìn mặt nhau mà trò chuyện, chúc mừng một năm mới an lạc.
Đêm giao thừa, chị Nguyễn Hồng Tâm trú tại tuyến đường Dương Bá Trạc, thành phố Đà Nẵng, đã có cuộc trò chuyện hàng tiếng đồng hồ với vợ chồng con gái đang sinh sống ở nước Mỹ cách nửa vòng trái đất. Chị bảo: “Có cái FaceTime (một ứng dụng chạy trên iPhone - NV) nên mẹ con mới được nhìn mặt nhau… Dù chỉ được nhìn nhau qua màn hình nhưng thấy con cái mạnh khỏe, sống tốt là mừng rồi”.
Năm nay, nhiều gia đình làm ăn xa ở đất khách quê người không về nhà ăn Tết được cũng buồn lắm. Các bậc cha mẹ ở quê nhà cũng thấy nhà cửa vườn tược quạnh quẽ hơn mọi khi. Nhưng biết là sao được! Tình hình chung cả nước chớ riêng chi nhà ai. Vợ chồng anh Nguyễn Minh Trí ở Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, chủ động gọi điện bảo các con yên tâm ở lại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ăn Tết. Bên chén trà đầu năm, anh tâm sự: “Tết thì năm nào cũng có. Không về thăm cha mẹ năm này thì năm tới lại về. Còn bà con hàng xóm thì gọi điện chúc mừng cũng không sao. Miễn là thành tâm thì chẳng ai trách móc gì”.
Thậm chí nhiều gia đình còn tổ chức buổi họp mặt gia đình đầu năm online như cầu truyền hình. Con cháu lần lượt chúc Tết ông bà, cha mẹ. Điện thoại quay cận cảnh từng gương mặt rạng rỡ nụ cười trong khi khi ngoài sân, chậu cúc vàng chúm chím khoe sắc trong nắng xuân hồng. Trong lòng mỗi người đều biết rằng dẫu qua hình thức nào thì không thể so được với việc gặp nhau trực tiếp để trao nhau câu chúc đầu xuân. Nhưng có lẽ trong thời điểm nhạy cảm vì dịch bệnh này, ai ở đâu ngồi yên đó là giải pháp giúp an toàn cho chính mình và người thân.
3. Trẻ thơ luôn háo hức đón Tết bởi ngày Tết không chỉ được ăn ngon, mặc áo mới và vui nhất là được mừng tuổi bằng những hồng bao xinh xắn kèm theo câu chúc đầy ý xuân. Cái giây phút vừa hồi hộp vừa thiêng liêng khi được các bậc trưởng bối gọi đến mừng tuổi vào sáng mồng một Tết đã trở thành một kỷ niệm đẹp đẽ trong lòng con trẻ. Ngày trước, trẻ con thường nâng niu cất giữ tiền mừng tuổi mới tinh như báu vật không dám tiêu xài. Có đứa còn mua heo đất về nuôi như của để dành hòng sau này làm vốn lập nghiệp.
Năm nay do việc hạn chế đi lại và tập trung nơi đông người nên niềm vui trẻ thơ ấy đã được nhiều gia đình hiện đại hóa bằng cách lì xí qua... ví điện tử. Chỉ cần nghe điện thoại reo “ting ting” là phong bao lì xì hiện ra cùng lời chúc Tết. Cùng lúc đó số tiền mừng tuổi được gửi vào tài khoản cá nhân một cách gọn lẹ.
Ở Việt Nam thì việc chuyển lương, thưởng qua tài khoản đã được áp dụng từ lâu, không chỉ công chức mà người lao động cũng đã quen với phương thức này. Cứ gần tới ngày nhận lương mà nghe điện thoại reo “ting ting” là ai cũng phấn chấn. Tết năm nay, âm thanh ấy lại một lần nữa làm nên niềm vui của bao trái tim thơ trẻ.
Đối với nhiều người, có thể cách mừng này không mấy hấp dẫn mấy so với cách mừng tuổi truyền thống. Nhưng được cái rất tiện cho mọi người. Nhất là nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không thể đến mừng tuổi trực tiếp được. Và cách này cũng bảo đảm tính bảo mật, tế nhị cho người cho lẫn người nhận, phù hợp bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, tổng số tiền sẽ được cập nhật tức thì, khỏi phải mua heo đất về nuôi để dành!
Bên cạnh sự thuận tiện của các ứng dụng online, nhiều người vẫn e ngại rằng công nghệ 4.0 sẽ làm phai nhạt đi màu Tết truyền thống. Rồi Tết có còn như xưa, khi con người ngày càng chuộng ngồi nhà để chúc Tết qua FaceTime hay lì xì bằng ví điện tử. Lo lắng này không phải không có cơ sở, song, cần nhìn nhận rằng, chúc Tết, lì xì hay hình thức ăn Tết có đổi thay theo cách nào đi nữa thì đó cũng chỉ là cách thức, hình thức bề ngoài, còn những giá trị thực sự của Tết Việt vốn bất biến, trường tồn qua bao biến thiên, đổi dời sẽ mãi trường tồn, bất biến. Rồi cũng đến lúc chúng ta ăn Tết truyền thống hướng nội với tinh thần hiện đại và văn minh mà vẫn giữ vẹn nguyên các giá trị nhân văn của một cái Tết đoàn viên ấm áp.
Ba ngày xuân chùng chình đi qua ngõ. Chúng ta đã có một cái Tết thời 4.0 an yên trong tâm thế phòng dịch mà vẫn đong đầy yêu thương…
NHƯ HẠNH