Tương thân, tương ái vượt qua đại dịch
Bước vào đợt Covid-19 thứ ba, phát huy truyền thống tương thân tương ái từ những đợt dịch trước, người Đà Nẵng trong những ngày này như xích lại gần nhau hơn trên hành trình chung tay đi qua đại dịch.
Tuổi trẻ phường An Hải Đông, quận Sơn Trà tổ chức đi chợ và gửi thực phẩm vào khu vực cách ly cho người dân. |
Nghĩa tình bên hàng rào cách ly
Đồng hồ điểm 9 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (trú đường Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cặm cụi ghi ra tờ giấy nhỏ những thứ cần chuẩn bị cho bữa cơm nhà, như thịt, rau, hành ngò, cà chua, chanh, ớt… Khu nhà chị đang ở chính là khu vực cách ly cứng được thiết lập từ trung tuần tháng 5-2021, sau khi nơi đây xuất hiện một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Cũng như chị, nhiều hộ dân khác cũng chuẩn bị sẵn cho mình những mảnh giấy tương tự. Chốc nữa, những mảnh giấy này sẽ đến tay các Đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường. Nhiệm vụ của lực lượng này là đi chợ giúp những người dân trong khu cách ly như chị Hằng.
Hoạt động đi chợ tình nguyện của tuổi trẻ phường An Hải Đông được thực hiện từ ngày 15-5 đến nay. Sau khi tiếp nhận danh sách các món cần mua từ người dân, các tình nguyện viên trực sẽ tổng hợp lại danh sách để đội hậu cần thực hiện nhiệm vụ đi chợ. Thức ăn sau khi mua về được các bạn trẻ tại chốt trực nhận, bảo đảm khử khuẩn, đặt sẵn trước hàng rào cách ly và gọi điện thoại báo cho các hộ ra nhận. Số tiền thừa sau buổi đi chợ cũng được khử khuẩn trước khi gửi trả cho người nhận.
Chỉ mất chừng một tiếng đồng hồ chờ đợi, chị Hằng đã nhận được đầy đủ thực phẩm cần thiết cho bữa cơm. Chị kể: “Từ ngày chúng tôi phải cách ly tại chỗ, nhờ lực lượng thanh niên trực chốt đi chợ giúp, có khi còn mua giúp thuốc uống… mà nhịp sinh hoạt của gia đình cũng ít bị ảnh hưởng. Nhờ thế, mọi người ở khu phố này đều an tâm thực hiện nhiệm vụ cách ly”.
Tại chốt trực trên, mỗi ca có từ 2 đến 4 tình nguyện viên làm nhiệm vụ. Bên cạnh việc túc trực không cho người ra vào khu vực; nhận đồ, sát khuẩn; hỗ trợ lực lượng đo thân nhiệt và có phương án xử lý khi có trường hợp sốt, ho…, các tình nguyện viên còn giúp người dân trong vùng mua thức ăn, nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian cách ly.
Là một trong những tình nguyện viên của đội hậu cần, bên cạnh việc đi chợ, chị Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Phó Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non Hoàng Anh tham gia dọn vệ sinh các khu cách ly tập trung đón các trường hợp F1 vào, hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân tại khu vực, làm mũ chống giọt bắn cho tiểu thương, tham gia trực tại điểm bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026… “Ngày nào đơn đi chợ nhiều thì mình đi 2 người, ít thì 1 người.
Việc gì có thể làm được, mình sẵn sàng làm cùng các bạn, để các lực lượng chống dịch thực hiện mọi việc được nhanh chóng và người dân yên tâm hơn khi có “đội hình áo xanh” như chúng mình túc trực “vòng ngoài” này”, chị Hiếu chia sẻ.
Cách đó không xa, vừa ăn xong bữa cơm trưa, bà Phạm Thị Minh Chỉ, Chi hội phó Chi hội phụ nữ 6A thuộc phường An Hải Đông cùng con dâu tất bật chuẩn bị mì, tôm, thịt, rau... cho lực lượng đang trực tại 12 điểm chốt cách ly trên địa bàn phường. Từ tâm huyết của mình, bà Chỉ nấu 60 phần mì Quảng nóng hổi, thơm lừng kèm chia sẻ: “Ngày xưa còn trẻ, tôi tham gia xung phong ra tiền tuyến chống giặc, thế hệ con cháu ở lại phía sau. Còn bây giờ, tôi đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe không cho phép nữa, xin được lùi về hậu phương để ủng hộ thế hệ trẻ chống dịch và những phần mì Quảng này là một chút công sức đó”.
Sau khi trên địa bàn phường An Hải Đông được thiết lập một số vùng cách ly tập trung, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường đăng ký nấu những bữa ăn nghĩa tình cho lực lượng trực chốt. Mỗi ngày một bữa, tùy điều kiện của từng chi hội. Có bữa là bún, có bữa là cơm trưa, cơm tối, cũng có lúc những phần bánh bao, bánh mì, sữa… Số kinh phí thực hiện chương trình được vận động từ các hội viên và các đơn vị.
Chủ tịch Hội LHPN phường An Hải Đông Đinh Thị Sơn Ca chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục duy trì hoạt động cho đến khi các khu vực cách ly trên địa bàn phường được dỡ phong tỏa. Dịch này, chỉ mong tất cả cùng động viên nhau đi qua khó khăn”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Đông, quận Sơn Trà tiếp tế thức ăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm cách ly. Ảnh: XUÂN SƠN |
“Giải cứu” những vụ mùa
Năm nay, cả vùng trồng ớt Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được mùa nhưng nông dân lại “méo mặt” vì không thấy bóng thương lái thu mua. Thiếu đầu ra, lo mất trắng vụ ớt, nhiều người cất công hái ớt, đội nắng từ Hòa Phong xuống trung tâm thành phố như chợ Cồn, chợ Đống Đa… để tiêu thụ.
Có mặt ở chợ Đống Đa, nông dân Trương Thị Tuyết ngậm ngùi: “Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào vụ ớt khiến chúng tôi điêu đứng. Dịch bệnh khiến nhiều quán ăn, nhà hàng đóng cửa, các chợ địa phương cũng ế ẩm. Giờ gọi điện thoại hỏi thương lái có thu mua không thì chả ai nhấc máy nữa. Chúng tôi đành xuống đây bán rẻ, vớt vát được chút nào hay chút đó, nhưng cất công đi bữa rày cũng chỉ bán được dăm chục ký ớt”. Gia đình bà Tuyết là 1 trong số gần 30 hộ trồng ớt ở Bồ Bản.
Ông Đinh Tiện, Tổ trưởng Tổ hợp tác mô hình ớt Bồ Bản kể, vùng trồng ớt này được quy hoạch từ năm 2014 với diện tích khoảng 1,3ha. Giống ớt được thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch mỗi năm, ớt phải được thu hoạch thường xuyên khi còn xanh, nếu được giá có thể bán được 15.000 - 20.000 đồng/kg. Còn bây giờ, khi ớt được mùa mất giá, giá ớt có lúc xuống chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg.
Trước những trăn trở của bà con, những ngày qua, ngoài việc Sở Công thương kêu gọi các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... chung tay hỗ trợ “giải cứu”, Hội Nông dân xã Hòa Phong phối hợp Hội Nông dân thành phố hỗ trợ người dân “giải cứu” số ớt. Trước mắt, 1,5 tấn ớt bị ùn ứ từ đầu mùa dịch đã được Hội Nông dân các quận, các phường trên địa bàn thành phố cùng một số đơn vị mua hỗ trợ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang Nguyễn Văn Vân, hiện tại, Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã liên hệ với Hội để hỗ trợ tiêu thụ ớt xanh Bồ Bản bị ùn ứ do ảnh hưởng của dịch bệnh thông qua sàn thương mại điện tử của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (PostMart.vn).
“Qua các kênh của Hội Nông dân, chúng tôi đã hỗ trợ người dân tiêu thụ số ớt bị ùn ứ. Nhưng về lâu về dài, đó vẫn chỉ là giải pháp tạm thời bởi sản lượng ớt thu hoạch mỗi ngày là rất lớn. May mắn là Bưu điện thành phố đã hỗ trợ đưa ớt Bồ Bản lên sàn thương mại điện tử, đồng thời, hỗ trợ toàn bộ cước phí vận chuyển cho nông dân Bồ Bản để tạo đầu ra ổn định trong thời gian tới”, ông Vân nói.
Cũng là câu chuyện đầu ra nông sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh, mới đây, các đoàn thể phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” với những món hàng, thực phẩm tươi ngon và miễn phí gửi đến 80 hộ gia đình trong khu vực cách ly của ba tổ dân phố 13,14,15. Đây là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ có người khuyết tật, hộ gia đình có người bị cách ly tập trung và công nhân khó khăn tại Khu công nghiệp Hòa Cầm đang thực hiện nhiệm vụ cách ly mềm tại chỗ.
Theo Phó Bí thư đoàn phường Hòa Thọ Tây Nguyễn Dũng, đây là hoạt động mang ý nghĩa kép, khi vừa hỗ trợ người dân khu vực cách ly vừa giúp bà con nông dân địa bàn phường tiêu thụ nguồn rau, dưa… sản xuất.
Trước đó, vùng rau Gò Soi đang vào mùa thu hoạch nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gặp khó trong tiêu thụ. Cùng với đó, bà con nông dân ở cánh đồng Tây An cũng ùn ứ dưa hấu. Từ sự vận động và “giải cứu” của các hội, đoàn thể, hơn 80kg bí đao, 80 quả mướp, 80 bó rau muống, 15kg ớt xanh, 800 quả trứng gà, 550 kg dưa hấu của cho bà con nông dân đã được “giải cứu” để mang tới phiên chợ.
Phát huy truyền thống tương thân tương ái từ những đợt dịch trước, người Đà Nẵng trong những ngày này xích lại gần nhau hơn trên hành trình chung tay đi qua đại dịch.
XUÂN SƠN