Chuyện đầu năm học
“Lớp mình có em bố mẹ bị bệnh nặng và đang thất nghiệp vì dịch bệnh, gia đình có nhiều khó khăn; có gia đình không có điện thoại thông minh để hỗ trợ các em trong việc học tập... Cô biết phụ huynh hết sức khó khăn, nhưng thấy con tội quá nên cô làm phiền phụ huynh vậy, cô xin lỗi nhé…”.
Các trường và ngành giáo dục thành phố đang nỗ lực để các học sinh đều được học trực tuyến ổn định. (Ảnh minh họa) Ảnh: NGỌC HÀ |
Những dòng tâm sự này được một cô giáo trên địa bàn quận Thanh Khê đưa lên nhóm zalo của lớp lúc 22 giờ. Có lẽ không thể chờ thêm được nữa khi buổi khai giảng đang cận kề, mọi sự chuẩn bị cho năm học mới gấp rút trong bối cảnh rất đặc biệt của thành phố nên cô đành “làm liều”.
Xin máy, mượn sóng
Cô giáo gửi tin nhắn ấy không quên kèm lời xin lỗi vì ngại làm phiền, nhưng không ngờ từ đêm đến sáng sớm hôm sau, các phụ huynh đã chung tay của ít lòng nhiều tạm đủ tặng em một chiếc điện thoại thông minh cũ giá rẻ. Việc ủng hộ đang sôi nổi thì cô chủ nhiệm báo tin “nóng hổi”: Nhà trường vừa quyết định trao tặng em một chiếc máy tính. Tin vui như vỡ òa vì học online trên máy tính thuận tiện hơn điện thoại, đây lại là máy tính mới.
Nhưng niềm hân hoan bỗng lắng lại khi cô chia sẻ thêm, cả trường có 5 em rất khó khăn, hoàn cảnh nào cũng đáng thương mà máy tính chỉ có một nên việc học sinh lớp mình được nhận, đồng nghĩa 4 em khác chưa thể có máy ngay. Thế là số tiền ủng hộ mua điện thoại cũ cho học sinh lớp được tập thể đồng tình chuyển tặng nhà trường với hy vọng “góp gió thành bão” để em nào cũng có điều kiện tham gia học online cùng các bạn…
"Hơn mười mấy năm đi đó đây hỗ trợ bà con và học sinh không chỉ ở địa bàn Đà Nẵng, việc có thể chung tay giúp các em được đến trường để từ đó vượt qua khó khăn là động lực để tôi mong muốn làm nhiều thêm nữa…” |
Suốt những ngày này, câu chuyện làm thế nào tiếp sức học sinh đến trường là chủ đề không dứt từ thành thị đến nông thôn. 6 năm đi dạy ở miền núi, cô Trương Thị Hiền (30 tuổi, Trường Tiểu học Hòa Bắc, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) chia sẻ rằng, chưa khi nào cô chứng kiến học trò bước vào năm học mới với ngổn ngang cảm xúc như vậy. Dịch bệnh khiến mọi thứ phải ngừng lại, kể cả việc thầy, cô, đoàn thể nhà trường muốn làm điều gì đó hỗ trợ các em cũng trở nên nan giải. So với mặt bằng chung của trường, học sinh lớp 5/1 do cô chủ nhiệm đa số đến từ Phò Nam, thôn phát triển nhất xã nên nhiều gia đình có điều kiện cho con học online ổn định suốt 2 năm qua. Tuy nhiên, trong lớp vẫn có 3 học sinh hoàn cảnh rất khó khăn, phụ huynh không có máy tính, không điện thoại thông minh nên các em chỉ có thể học qua bài trên giấy cô gửi. Nhưng đó là chuyện của năm trước, còn năm nay “ai ở đâu thì ở đó”, rồi “vùng đỏ”, “vùng vàng” quy định nghiêm ngặt nên kiểu gì cũng phải có ít nhất 1 thiết bị và mạng internet thì mới có thể không bỏ lỡ chương trình.
Phụ huynh thiết tha trông cậy vào cô nên cô đã gửi hàng xóm để em sang học nhờ nhưng lại vướng quy định phòng dịch, thành ra chuyện đơn giản lại hóa xa xôi. “Cuối cùng cũng được! Cô đã liên hệ người bà con trong gia đình học sinh, họ hứa khi nào em học sẽ cho dùng tạm điện thoại”, cô Hiền hào hứng báo tin tốt lành.
Anh Bùi Đức Thọ (phải), ở thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) tặng sách giáo khoa và vở cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là đồng bào dân tộc Cơ tu và trẻ em khó khăn của xã Hòa Bắc năm học 2021-2022. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Những điều ấm lòng
“Giỏi!”, đó là nhận xét của các thầy, cô giáo về cô học trò nhỏ T.T.T.N, học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc). Không thể cận kề bên cha mẹ hằng ngày nhưng bù lại T.T.T.N được sống trong sự đùm bọc của cậu mợ và em đã vượt qua trở ngại về hoàn cảnh để luôn là tấm gương vượt khó học tốt. Không quá bất ngờ vì tiếp tục được chọn nhận học bổng của toàn trường, nhưng điều khiến em thấy “là lạ” là mọi năm em được nhận học bổng vào giữa hoặc cuối năm, còn nay lại ở thời điểm đầu năm học. Bẽn lẽn nói chuyện qua điện thoại, T.T.T.N bộc bạch: “Nghe thông tin con vui lắm. Đây là năm đầu tiên con được nhận học bổng vào đầu năm học. Tiền hỗ trợ giúp con mua sắm thêm một số đồ dùng học tập còn thiếu”.
Những năm trước, học sinh khó khăn tại huyện Hòa Vang, nhất là những em vượt khó học tốt như T.N và các em ở miền núi, đồng bào thiểu số được nhận nhiều sự quan tâm, hỗ trợ không chỉ ở địa phương mà còn từ nhiều nơi khác đến. Thế nhưng năm nay, vì khó khăn chung nên các nguồn tiếp sức cũng ít nhiều hạn chế. Các năm trước, việc hỗ trợ cũng cơ bản xoay quanh vấn đề vận động, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục. Năm nay thì không dừng ở từng ấy “gạch đầu dòng” mà theo sau là những câu hỏi về giải pháp; bởi thời điểm này nhà trường, thầy cô cũng khó mở lời vận động, nhất là kêu gọi tài trợ những thứ đắt giá như điện thoại, máy tính cho học sinh. Hơn nữa, có kinh phí rồi chưa chắc mua được ngay trang thiết bị, đồ dùng học tập bởi nhiều lý do liên quan đến chuyện chống dịch.
Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết, qua khảo sát trên địa bàn cho thấy, tỷ lệ học sinh bảo đảm thiết bị học trực tuyến ở cấp tiểu học và THCS khoảng 90%. Như vậy, vẫn còn một số em chưa thể học online tại thời điểm này.
Điều ấm lòng là giữa bộn bề thử thách đó có những đôi tay sớt chia kịp thời hơn bao giờ hết. 60 chiếc xe đạp, gần 240 suất hỗ trợ và sách vở học tập đã được ngành giáo dục huyện và các trường nỗ lực chuẩn bị để có thể đến với các em khi năm học mới bắt đầu.
Hỏi thăm chuyện giúp học trò mùa này ở Hòa Vang, ngoài số quà tặng trên, các trường đều nhắc đến tên anh “Thọ Tây Bắc” - người tặng sách giáo khoa và vở cho toàn bộ học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 là đồng bào Cơ tu và trẻ em khó khăn của xã Hòa Bắc trong năm học 2021-2022.
Chia sẻ lý do hỗ trợ sách vở cho học trò nghèo, anh Bùi Đức Thọ, chủ nhà hàng Tây Bắc (thôn An Ngãi Tây 2, xã Hòa Sơn) trải lòng: “Hòa Bắc là mảnh đất ân tình nơi ba mẹ đã tần tảo mưu sinh nuôi các anh em tôi khôn lớn nên tôi muốn được làm điều gì đó ý nghĩa gửi lại nơi đây. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các em đến trường cũng là cách chung tay xóa đói nghèo, giúp các em vươn lên bền vững sau này”.
Đợt này, anh Bùi Đức Thọ cam kết tặng sách vở cho học sinh ở xã với kinh phí khoảng 100 triệu đồng, gồm tiền cá nhân và vận động từ bạn bè. Nhà hàng là lĩnh vực chịu nhiều tổn thất do dịch bệnh 2 năm qua, nhưng nhìn lại bản thân vẫn thấy còn đỡ hơn bao hoàn cảnh khác nên anh phát tâm thiện nguyện trao chút tấm lòng đến với bà con. Không chỉ tặng quà cho học sinh, được biết, mấy năm trở lại đây, mỗi đêm Giáng sinh, dù không phải người theo đạo anh cũng hóa thân thành ông già Noel rong ruổi khắp cánh bắc Hòa Vang với khoảng 1.000 suất quà mang niềm vui đến các em nhỏ.
Về hoạt động tiếp sức học sinh đến trường năm học này, anh Bùi Đức Thọ không hứa hẹn sau chương trình ở Hòa Bắc sẽ làm gì tiếp theo. Anh chỉ giãi bày, hơn mười mấy năm đi đó đây hỗ trợ bà con và học sinh không chỉ ở địa bàn Đà Nẵng, việc có thể chung tay giúp các em được đến trường để từ đó vượt qua khó khăn là động lực để anh mong muốn làm nhiều thêm nữa…
Hỗ trợ học sinh không có điều kiện học trực tuyến Theo Công văn số 2538/SGDĐT-VP ngày 29-8-2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới và dạy - học năm học 2021-2022, các trường khảo sát tình hình học sinh về sách giáo khoa, đồ dùng học tập, trang phục, điều kiện học trực tuyến… để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em cũng như báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến. Đối với học sinh không có điều kiện học trực tuyến (điều kiện về máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung…), các trường phối hợp cha mẹ học sinh triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình; hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến. Giáo viên cũng có thể gửi tài liệu giấy để hướng dẫn học sinh học tập (khi điều kiện cho phép). Cũng theo công văn này, khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo và thông tin từ các công ty sách cho thấy, trước ngày khai giảng chỉ có khoảng 60% học sinh đã mua sách giáo khoa mới và 50% học sinh đã mua đồ dùng học tập. |
THU HOA